Vị trí của Áo nghĩa thư trong Thánh điển Phệ-đà Áo nghĩa thư

Kinh văn Phệ-đà được chia thành ba phần, Lê-câu-phệ-đà (zh. 棃俱吠陀, sa. ṛgveda), Sa-ma-phệ-đà (zh. 沙摩吠陀, sa. sāmaveda) và Dạ-nhu-phệ-đà (zh. 夜柔吠陀, sa. yajurveda). Nhưng sau này, một bộ thứ tư được đưa thêm vào, đó là A-thát-bà-phệ-đà (zh. 阿闥婆吠陀, sa. atharvaveda). Thừa nhận kinh văn Phệ-đà là chân lý cũng là điều kiện tiên quyết xác nhận một người theo Ấn Độ giáo. Mỗi bộ Phệ-đà trên đều có một bộ sách tập hợp căn bản đi theo, được gọi là Bản tập (zh. 本集, sa. saṃhitā), được viết theo văn vần, bao gồm cách thức thực hiện nghi lễ và một bộ sách được viết bằng văn xuôi, gọi là Phạm thư (zh. 梵書, sa. brāhmaṇa), giải thích ý nghĩa của các nghi lễ, tế tự. Bản tập liên quan đến tất cả các nhánh của Phệ-đà, trong khi các bài Phạm thư hệ thuộc vào những nhánh riêng.

Các bộ Phạm thư không phải là tác phẩm của một tác giả duy nhất và với thời gian, chúng được bổ sung thêm. Các thành phần được bổ sung bao gồm những lời giải thích về ý nghĩa bí mật của các nghi lễ và chân ngôn. Một số phần mật giáo của Phạm thư được gọi là Sâm lâm thư (zh. 森林書, sa. āraṇyaka), nghĩa là "các bài văn bí mật được tụng niệm trong rừng thâm", và một số khác được gọi là Áo nghĩa thư. Điểm khác biệt giữa Sâm lâm thư và Áo nghĩa thư không rõ ràng bởi vì cả hai đều xử lý những tài liệu tương tự nhau. Một số Áo nghĩa thư, ví như bộ Aitareya được bao gồm trong bộ Sâm lâm thư hệ thuộc, trong khi những bộ khác, ví như Áo nghĩa thư Bṛhadāraṇyaka, lại được xem là cả hai, Sâm lâm thư và Áo nghĩa thư. Tuy nhiên, các chủ đề về vũ trụ quan và siêu hình có vẻ giữ vai trò trung tâm hơn trong các bộ Áo nghĩa thư, và về mặt thời gian, chúng xuất hiện sau các Sâm lâm thư.

Thánh điển Phệ-đà, bao gồm các Áo nghĩa thư và tất cả các nhánh hệ thuộc, được biên tập và truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng chỉ được viết lại hơn một ngàn năm sau đó, nhưng mặc dù vậy, việc lưu truyền được thực hiện rất nghiêm túc và trung thực - thậm chí trung thực hơn phương pháp sao chép bằng văn tự, như nhiều nhà nghiên cứu cho biết.

Trong khoảng thời gian từ những thế kỉ cuối TCN đến những thế kỉ đầu CN, vai trò của việc tế lễ trong tôn giáo ngày càng phai mờ. Nhiều học phái phát sinh, ví như những nhánh chuyên về ngữ pháp tiếng Phạn, hoặc những nhánh chuyên về luật tôn giáo (sa. dharmaśāstra), phương pháp cai trị (sa. arthaśāstra) và y học. Nhưng mặc dù vậy, các Bà-la-môn thời đó là xem tất cả những tài liệu thuộc về thánh điển Phệ-đà là thẩm quyền bậc nhất. Các bộ Áo nghĩa thư có vẻ như bị tách ra khỏi những nhánh Phệ-đà hệ thuộc và được xem như một thể loại văn bản riêng.